Trang tin giải trí vui vẻ - hài hước nhất Việt Nam
Qc

Li kỳ vụ trộm vắc-xin đi vào lịch sử năm 1959: Nó đã dạy chúng ta điều gì trong cuộc tiêm chủng COVID-19?

Ctv | 13/03/2021

Ngay lúc này, cũng đã xuất hiện những kẻ cơ hội lợi dụng tình hình khan hiếm vắc-xin COVID-19 để kiếm lời.

3 giờ sáng ngày 31 tháng 8 năm 1959 tại Montréal, Canada: Một nhóm cướp bịt mặt có vũ trang đã đột nhập vào Viện Vi sinh vật học thành phố. Chúng lấy súng đe dọa Arpolis Beland, người bảo vệ gác đêm nhỏ bé đã hơn 54 tuổi.

Một tên cướp hậu đậu với vội chiếc áo choàng trắng trên móc và định xé nó ra làm dây trói Beland. Nhưng chiếc áo blouse quá dai không thể xé nổi. Tên khác rút thắt lưng ra nhưng nó lại quá ngắn.

Trong lúc đó, người bảo vệ cố gắng van xin và nói với lũ cướp rằng đây không phải một ngân hàng, trong phòng thí nghiệm sinh học thì làm gì có tiền.

Đừng lo về chuyện đó. Chúng tôi biết lý do tại sao mình có mặt ở đây“, một tên cướp bịt mặt đáp lại. “Còn giờ thì ông hãy chỉ cho chúng tôi khoa nghiên cứu linh trưởng ở đâu”.

Li kỳ vụ trộm vắc-xin đi vào lịch sử năm 1959: Nó đã dạy chúng ta điều gì trong cuộc tiêm chủng COVID-19? - Ảnh 1.

Bị đe dọa bởi súng, Beland bất đắc dĩ phải đưa chúng tới đó. Ở đây có một chiếc lồng sắt lớn nhốt động vật thí nghiệm. Những tên cướp đẩy ông ấy vào trong đó cùng hơn 500 con khỉ đang kêu gào và khóa cửa lại.

Trong thảm cảnh dở khóc dở cười ấy, Beland mất hơn một tiếng đồng hồ mới có thể thoát khỏi lồng khỉ. Nhưng khi ông ấy ra được ngoài, bọn cướp đã biến mất cùng với 75.000 lọ vắc-xin bại liệt được giữ ở Viện Vi sinh vật học Montréal.

Bên ngoài phòng thí nghiệm, dịch bệnh bại liệt vẫn đang hoành hành. Lô vắc-xin bị mất chính là lô vắc-xin duy nhất mà cả tỉnh Québec có được sau hàng tuần liền chờ đợi. Nếu cảnh sát không sớm tìm ra những tên trộm, hàng ngàn đứa trẻ trong thành phố sẽ bị nhiễm bệnh, 5% trong số đó sẽ chết hoặc bị bại liệt suốt đời.

Những tên trộm nói chuyện với nhau bằng rất nhiều thuật ngữ y tế

Đó là mùa hè năm 1959, Canada đang bước vào đợt bùng phát cuối cùng của đại dịch bại liệt. Ở Québec, người ta đã phải chứng kiến số lượng bệnh nhân đạt tới đỉnh điểm. Các tờ báo địa phương liên tục đưa tin về dịch bệnh như tường thuật thế chiến. Hơn một nghìn trường hợp và 88 ca bệnh tử vong vì bại liệt đã được ghi nhận.

Một mặt, các nhà chức trách y tế ở Montréal, thành phố lớn nhất của tỉnh, đã cảnh báo công chúng về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh vào mùa hè. Nhưng mặt khác, họ cũng phải cầu xin người dân hãy giữ bình tĩnh.

Nhiễm trùng bại liệt gây ra tỷ lệ tử vong và tê liệt vĩnh viễn khoảng 5%. Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất, bởi vậy các bậc phụ huynh có con nhỏ bắt đầu hoảng loạn. Các ông bố bà mẹ ở Montréal lục tục rủ nhau kéo đến phòng khám để hỏi về vắc-xin.

Hàng trăm người xếp dài lũ lượt vắt qua các vỉa hè đường phố. Có khi họ còn sẵn sàng đợi cả giờ dưới mưa chỉ để ghi danh tiêm chủng cho con mình.

Li kỳ vụ trộm vắc-xin đi vào lịch sử năm 1959: Nó đã dạy chúng ta điều gì trong cuộc tiêm chủng COVID-19? - Ảnh 2.

Tờ báo địa phương Montreal Gazette chụp ảnh hàng người xếp hàng trước những phòng khám để đăng ký tiêm vắc-xin bại liệt.

Cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, Canada chỉ có đúng 2 phòng thí nghiệm sản xuất vắc-xin trên toàn quốc. Phần lớn công việc được thực hiện tại Connaught Labs, Đại học Toronto. Điều này gây áp lực lớn lên nguồn cung cấp vắc-xin cho Québec. Giống với phần còn lại của Bắc Mỹ, sớm muộn thành phố cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vắc-xin tiêm chủng.

Đến tháng 8, khi nguồn cung vắc-xin cho Montréal cuối cùng cũng cạn kiệt, các phòng khám bị đẩy đến chỗ chờ đợi trong tuyệt vọng. Hàng dài các bậc phụ huynh từng xếp trước cửa giải tán. Họ trở về nhà, ngày nào cũng nôn nao ngóng chờ tin tức mới trên báo chí.

Vì vậy, khi Connaught Labs hứa sẽ gửi cho Motréal một lô hàng lớn vắc-xin xuất xưởng vào cuối tháng, cả thành phố bỗng chốc vỡ oà trong sung sướng. Lô hàng này được hứa là rất lớn, nó không những đủ để tiêm chủng cho cả Montréal mà còn dư để phân phối ra bên ngoài vùng ngoại ô của cả tỉnh Québec.

Đáng tiếc, sự cố xảy ra vào phút chót đã khiến kế hoạch tiêm chủng ở đây bị phá sản. Vụ trộm đêm ngày 31 tháng 8 đã khiến 75.000 lọ vắc-xin bại liệt ở Montréal bốc hơi. Ngày hôm sau, cơ quan y tế thành phố tuyên bố ngừng hoạt động tiêm chủng vì đã hết sạch vắc-xin.

Báo chí địa phương mô tả lại khung cảnh buồn thảm trên đường phố Montréal với những bà mẹ lui tới trung tâm y tế rồi lại phải ra về trong tuyệt vọng.

Tại sở cảnh sát, một nhóm điều tra đặc biệt đã được thành lập cho chuyên án vắc-xin bại liệt. Họ bắt đầu bằng cách phỏng vấn người lính gác đêm. Ông ấy nói rằng những thủ phạm đã che mặt nên không thể nhận biết. Manh mối duy nhất là cuộc nói chuyện giữa chúng mà lính gác đã nghe lén được.

Li kỳ vụ trộm vắc-xin đi vào lịch sử năm 1959: Nó đã dạy chúng ta điều gì trong cuộc tiêm chủng COVID-19? - Ảnh 3.

“Những tên cưới mang súng đã cướp mất 75.000 mũi tiêm”, tờ báo địa phương Gazette đưa tin về vụ trộm.

Những tên trộm sử dụng rất nhiều thuật ngữ y tế, điều đó khiến hướng điều tra được hé mở. Cảnh sát đoán chúng có thể là những người làm trong ngành y tế. Và ngay ngày hôm sau, họ bắt được một kẻ tình nghi là sinh viên y khoa và thu giữ được một số lọ vắc-xin bại liệt đang được bán chui trong một hiệu thuốc ở thị trấn Pont-Viau. Các lọ vắc-xin bị thu này có trùng số seri với lô hàng đã bị mất.

Tuy nhiên, các buổi thẩm vấn sinh viên y khoa và chủ hiệu thuốc đã không đi đến đâu. Trong vài ngày, đầu mối cạn kiệt và vụ án lại rơi vào bế tắc. Dịch bệnh bại liệt trong thành phố thì vẫn tiếp tục hoành hành. Có 36 bệnh nhân mới nhập viện và vắc-xin thì vẫn hết.

Thu hồi vắc-xin quan trọng hơn bắt được thủ phạm

Nói về bọn cướp, sau khi nhốt được người gác đêm vào chuồng khỉ, chúng tản ra và nhanh chóng tìm thấy 25 chiếc thùng trong kho lạnh. Những chiếc thùng được đóng dấu của phòng thí nghiệm Connaught xác nhận đó chính là những liều vắc-xin bại liệt mà chúng đang tìm kiếm.

Một tên trộm trở lại chuồng khỉ yêu cầu người bảo vệ đưa chúng chìa khóa ô tô của ông. Những tên khác nhanh chóng chuyển 25 chiếc thùng ra xe và tẩu thoát về một tòa chung cư bỏ trống mà chúng đã thuê trước.

Chiến lợi phẩm sau đó được kiểm kê, 25 chiếc thùng chứa tổng cộng là 75.000 lọ vắc-xin bại liệt, mỗi lọ trị giá 1,5 đô la Canada. Tổng trị giá lô vắc-xin mà chúng cướp được lên tới 50.000 đô la Canada, tương đương gần nửa triệu USD bây giờ.

Li kỳ vụ trộm vắc-xin đi vào lịch sử năm 1959: Nó đã dạy chúng ta điều gì trong cuộc tiêm chủng COVID-19? - Ảnh 4.

Tiến sĩ Jonas Salk, nhà phát triển vắc-xin bại liệt trong phòng thí nghiệm của mình ở Pittsburgh vào năm 1954

Để bảo quản vắc-xin những tên trộm đã mang về một chiếc tủ lạnh. Nhưng chiếc thủ đơn thuần là quá nhỏ. Chúng cố gắng nhồi nhét vắc-xin vào các ngăn tủ được dọn sạch, chỉ trừ một ngăn vẫn để bia. Số vắc-xin còn lại bị bỏ dưới nền nhà. Nếu không có tủ lạnh, chúng sẽ bị hỏng sau sau 48 tiếng đồng hồ.

Một trong số những tên trộm mang một hộp vắc-xin 299 liều ra thị trấn Pont-Viau và bán cho một chủ hiệu thuốc. Chúng đã ra giá đắt hơn cả giá thị trường nhưng vẫn thu về được 500 đô la. Sau đó, chủ hiệu thuốc ở Pont-Viau bị cảnh sát bắt.

Những tên trộm không ngờ cảnh sát Montréal có thể hành động nhanh đến vậy. Chúng quyết định lặn đi một thời gian để tránh bứt dây động rừng. Trong khi, những hộp vắc-xin vẫn bị vứt lăn lóc trên nền nhà tòa chung cư bỏ trống, không được bảo quản lạnh.

Tại sở cảnh sát Montréal, các chuyên viên điều tra lúc này cũng đoán được tình hình. Họ cho rằng việc thu hồi vắc-xin để tiêm cho người dân quan trọng hơn nhiều so với truy bắt thủ phạm. Nếu không thu hồi kịp, cả lô vắc-xin sớm muộn cũng sẽ bị hỏng và phí phạm.

Thế là cảnh sát bắt đầu phải phát đi các thông điệp có ý dàn xếp để làm êm vụ án nếu kẻ trộm đầu thú hoặc tự giao nộp vắc-xin. Kế hoạch hóa ra đã thành công. Chẳng bao lâu sau, đường dây nóng của sở cảnh sát thành phố nhận được một cuộc điện thoại.

Phía bên kia đầu dây, có một người đàn ông báo rằng ông ấy nhìn thấy một chiếc xe hơi khả nghi đậu trên phố Hubert ở East End. Chiếc xe vô chủ và chất đầy những thùng hàng có nhãn “Phòng thí nghiệm Connaught”.

Cảnh sát đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường và thu hồi toàn bộ lô vắc-xin bị mất. Đáng tiếc, sở y tế thành phố đã phải mất tới 2 tháng để kiểm kê lại chất lượng của những liều vắc-xin này. Nhưng cuối cùng vào tháng 10, người dân ở Montréal và Québec đã được tiêm chủng.

Li kỳ vụ trộm vắc-xin đi vào lịch sử năm 1959: Nó đã dạy chúng ta điều gì trong cuộc tiêm chủng COVID-19? - Ảnh 5.

Những đứa trẻ ở Los Angeles được tiêm vắc-xin bại liệt năm 1955.

Tên trộm cuối cùng được trắng án

Lần theo dấu vết của cuộc điện thoại và vụ thẩm vấn chủ hiệu thuốc ở Pont-Viau, cảnh sát phát hiện ra người bán 229 liều vắc-xin bị mất cắp và người đã gọi điện thoại báo cảnh sát về lô vắc-xin trên đường Hubert hóa ra là cùng một người.

Cũng chính hắn là người đã thuê căn phòng chung cư trống cất vắc-xin. Người quản lý tòa nhà xác nhận đó là một kẻ trung niên tầm 40 tuổi với mái tóc đen. Hắn đã thuê căn phòng và trả tiền trước hẳn 1 tuần.

Nghi phạm được xác nhận là Jean Paul Robinson, một nhân viên y tế mới được thuê tại Motréal làm nhiệm vụ vận chuyển vắc-xin để giao cho các phòng khám trong thành phố. Robinson cũng phù hợp với nhận dạng của người bảo vệ, vì anh ta biết các thuật ngữ y tế.

Khi cảnh sát tìm đến nhà, gia đình hắn xác nhận Robinson đã biến mất 2 ngày nay, đúng vào thời gian mà vụ trộm xảy ra. Nhưng những người họ hàng nói rằng có thể hắn có thể đã bị các băng đảng trộm cướp thanh trừng.

Mặc dù vậy, chỉ mất vài ngày để cảnh sát tìm thấy Robinson đang trốn trong một nhà kho ở ngoại ô mặc dù hắn đã cố tình cải trang, thay đổi màu da, đeo kính và để ria mép.

Sau khi bị bắt, Robinson một mặt phủ nhận cáo trạng. Hắn nói mình chỉ đang cải trang để tránh các băng đảng truy lùng. Nhưng bằng chứng tiếp tục chống lại hắn, một tên cướp thứ hai trong vụ án đã bị bắt và khai ra chính Robinson là chủ mưu vụ cướp.

Li kỳ vụ trộm vắc-xin đi vào lịch sử năm 1959: Nó đã dạy chúng ta điều gì trong cuộc tiêm chủng COVID-19? - Ảnh 6.

Nhưng Robinson vẫn chối tội. Hắn nói mình chỉ tham gia vụ cướp sau khi biết được âm mưu trộm vắc-xin ở Montréal từ một người đàn ông tên là Bob. Bob đã rủ Robinson tham gia nếu không sẽ khử hắn. Do vậy, Robinson bất đắc dĩ tham gia vào vụ cướp với mục đích cuối cùng là sẽ nẫng tay trên của Bob và trả lại lô vắc-xin cho thành phố như một người hùng.

Thế là Robinson đã nói địa điểm căn chung cư trống mà hắn thuê để lẩn trốn trước đó cho Bob, chính hắn cũng là người mang vắc-xin đi bán ở Pont-Viau. Và tất nhiên, Robinson nhận mình là người có công giúp cảnh sát thuyết phục Bob trả lại lô vắc-xin trên phố Hubert.

Lời khai này hợp lý tới mức thẩm phán khó có thể bác bỏ nó. Bằng chứng cuối cùng có thể dùng để buộc tội cho Robinson chỉ là lời khai của kẻ đồng phạm bị bắt. Nhưng cuối cùng, kẻ này lại phản cung và nói rằng trước đó hắn đã khai man.

Tên trộm thứ ba đã biến mất vĩnh viễn mà cảnh sát không tìm thấy. Do vậy, họ cũng không thể xác nhận người đàn ông tên Bob có thật hay chỉ là sản phẩm mà Robinson tạo ra.

Cuối cùng, thẩm phán đã ra phán quyết rằng mặc dù câu chuyện của Robinson là “kỳ lạ và hơi xa vời“, nhưng dựa trên nguyên tắc suy luận vô tội, không có bằng chứng nào buộc tội nổi hắn nên Robinson được tuyên trắng án.

Ngay sau khi bản án này được tuyên,công chúng đã phản đối kết quả của cuộc điều tra với sự phẫn nộ. Một tờ báo địa phương đã suy đoán rằng cảnh sát chỉ đang cố gắng đạt được thỏa thuận ngầm với Robinson trước đó. Họ nói rằng vụ án này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tư pháp Canada.

Li kỳ vụ trộm vắc-xin đi vào lịch sử năm 1959: Nó đã dạy chúng ta điều gì trong cuộc tiêm chủng COVID-19? - Ảnh 7.

Các kỹ thuật viên tại Phòng thí nghiệm Connaught, một trong hai cơ sở sản xuất vắc xin bại liệt chính của Canada vào năm 1955.

Đó là một bài học trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19

Hậu quả của vụ trộm vắc-xin năm 1959 cũng không được đo lường chính xác. Không biết trong vòng 2 tháng khi lô vắc-xin bị biến mất, có bao nhiêu người ở Montréal và Québec đã nhiễm bệnh hoặc chết vì không được tiêm vắc-xin.

Nhưng theo Paula Larsson, một nghiên cứu sinh tiến sĩ đến từ Trung tâm Lịch sử Khoa học, Y học và Công nghệ, Đại học Oxford thì sự cố này sẽ mãi là một bài học cho chúng ta trong các chiến dịch tiêm phòng sau này, bao gồm cả COVID-19.

“Khi hàng triệu người trên toàn thế giới nóng lòng chờ đợi việc phân phối vắc-xin COVID-19, câu chuyện này đã cảnh báo chúng ta về những hậu quả có thể xảy ra của các chương trình tiêm chủng thiếu tổ chức và kế hoạch kém“, Larrson cho biết.

Trong đại dịch COVID-19, đảm bảo nguồn cung vắc-xin sẽ là một nhiệm vụ quan trọng mà mọi quốc gia cần phải thực hiện. Bởi khan hiếm vắc-xin đồng nghĩa với rất nhiều vấn đề có thể nảy sinh. Tình trạng này có thể kéo dài chiến dịch tiêm chủng, tạo điều kiện cho dịch bệnh tiếp tục lây lan, thậm chí đột biến để kháng lại những mũi tiêm của con người.

Không có đủ vắc-xin khiến việc phân phối trở nên khó khăn hơn, đối tượng nào sẽ được ưu tiên tiêm chủng luôn tạo ra những tranh cãi không đáng có trong đại dịch, thời điểm mà lẽ ra mọi người cần phải đoàn kết và cảm thông với nhau.

Li kỳ vụ trộm vắc-xin đi vào lịch sử năm 1959: Nó đã dạy chúng ta điều gì trong cuộc tiêm chủng COVID-19? - Ảnh 8.

Ngay lúc này, chúng ta cũng đã thấy ở một vài nơi những kẻ cơ hội bắt đầu khai thác tình hình khan hiếm vắc-xin COVID-19. Những đường dây cò mồi phi đạo đức đang gửi nhiều lời chào bán tới giới thượng lưu, những người có thể mua vắc-xin COVID-19 ở chợ đen với giá cao hơn rất nhiều. Vắc-xin giả vì thế cũng đã xuất hiện, các chương trình tiêm chủng lừa đảo cũng vậy.

Tất cả những bài học này đều đã có trong lịch sử y khoa thế giới. Sự thật là COVID-19 không phải đại dịch đầu tiên mà vắc-xin được trông chờ đến vậy và cũng không phải lần đầu tiên tình trạng khan hiếm các mũi tiêm đã gây ra rắc rối.

“Sẽ luôn có những kẻ đang tìm kiếm lợi nhuận từ những sai lầm, thiếu hụt và tuyệt vọng ở ngoài kia, và điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách cần phải ghi nhớ điều này khi các chương trình tiêm chủng được triển khai“, Larsson nói.